Mức lương “chỉ” tăng gần gấp đôi, nhưng khoản thuế mà Real Madrid phải nộp thay Ronaldo sẽ tăng gấp 6 lần. Tức là thực sự thì Madrid sẽ phải chi mỗi năm 35.3 triệu euro cho cầu thủ người Bồ Đào Nha.
Hãy xem 35.5 triệu euro có thể làm được những gì. Nếu không phải trả lương cho Ronaldo, Madrid sẽ “nuôi” được học viện La Masia của… Barcelona, có ngân sách hoạt động vào khoảng 5 triệu/ mùa, trong vòng 7 năm. Đó cũng là ngân sách hoạt động một năm của Montpellier, nhà vô địch Pháp mùa 2011-2012, và chiếm gần một nửa tiền vé cả mùa dành cho các CĐV Chelsea.
Mỗi ngày, Ronaldo kiếm được 46,5 nghìn euro, gấp đôi mức thu nhập bình quân đầu người trong… cả năm của TBN (22 nghìn euro). 35,5 triệu euro cũng có thể mua được 1/4 số cầu thủ đang chơi ở giải VĐQG Thụy Điển, và cứu đói cho khoảng 7 triệu dân một nước châu Phi, theo Giám đốc điều hành chương trình Lương thực thế giới Ertharin Cousin.
Cách đây một năm, mức lương 15 triệu euro/ năm sau thuế của Zlatan Ibrahimovic đã vấp phải sự phản kháng mãnh liệt của cả dư luận và thậm chí là chính trường Pháp. Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Pháp Valerie Fourneyron thậm chí gọi mức lương ấy là một sự “phản ánh tình trạng tồi tệ của bóng đá hiện nay”. Mức lương của Ronaldo có thể xem là điều không tưởng, trong bối cảnh TBN nói riêng và cả châu Âu oằn mình trong khủng hoảng kinh tế, và các CLB đang đeo trên mình những khoản nợ hàng tỷ euro.
Ký hợp đồng mới với Real, Ronaldo trở thành cầu thủ hưởng lương cao nhất thế giới
Thu nhập cao nhất của một cầu thủ cách đây 1 thế kỷ vào khoảng chưa
đầy 300 euro/ năm. Cho đến năm 1968, George Best trở thành cầu thủ hưởng
lương cao nhất thế giới, với khoảng hơn 70 nghìn euro một năm. Sau nửa
thế kỷ, mức lương của Ronaldo đã gấp con số ấy đến 237 lần!Xứng đáng hay không?
Đó xem ra là một sự xúc phạm với tình hình tài chính bi đát hiện nay ở châu Âu. Ronaldo hiện tại chưa phải người giỏi nhất thế giới, và cứ chiếu theo tài năng, thì các CĐV của Messi hay thậm chí là Bale có thể cảm thấy quá bất công.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Ronaldo kiếm cho đội bóng của anh khoảng 8 triệu euro tiền bản quyền hình ảnh (chia theo tỉ lệ 50-50) mỗi mùa. Khi anh mới đến Bernabeu, chỉ sau một mùa, số tiền bán áo của anh đã đủ để bù đắp chi phí chuyển nhượng. Và mặc dù vẫn bị coi là xếp sau Messi về mặt tài năng, nhưng hình ảnh của Ronaldo mang tính quảng bá tốt hơn hẳn: Tài khoản Facebook của anh thu hút hơn 60 triệu người theo dõi, trong khi con số này với Messi chỉ là hơn 40 triệu.
Ronaldo không chỉ là một cầu thủ hàng đầu thế giới. Anh còn là một cỗ máy kiếm tiền, một công cụ làm thương hiệu tuyệt vời. Bóng đá bây giờ cũng không chỉ gói gọn trong 90 phút trên sân và tiền bán vé nữa, mà song hành với nó là rất nhiều hình thức khai thác thương mại khác, mà cầu thủ là trung tâm.
Tiền vệ người Bồ là một cầu thủ của thị hiếu, cũng tương tự như David Beckham trước đây: Có thể không phải là người giỏi nhất hiện tại, nhưng nổi tiếng và thu hút công chúng nhất. Nếu bóng đá nhàm chán và bản thân Ronaldo không phải là một biểu tượng thị hiếu, thì có lẽ cũng không mấy ai bỏ tiền ra để mua áo của anh, mua vé vào xem anh thi đấu và cả những đồ lưu niệm “ăn theo” cầu thủ người Bồ, khi mà nền kinh tế oằn mình trong khó khăn.
Vì thế, có thể là đến giờ, Ronaldo chưa giành được danh hiệu quốc tế nào, cũng chưa thể giúp Real Madrid cụ thể hóa giấc mơ Decima, và trở lại với danh hiệu Quả bóng Vàng vẫn là mục tiêu khó khăn, nhưng Madrid không chỉ coi anh là một cầu thủ đơn thuần, mà còn là một cỗ máy kiếm tiền và biểu tượng của đội bóng không chỉ trên sân cỏ.
Chính vì thế, mức lương hiện tại dành cho Ronaldo có thể là điên rồ, nhưng không phải điều bất hợp lý. Bóng đá giờ không chỉ là một môn thể thao nữa. Nó còn là ngành công nghiệp giải trí, mà Ronaldo đang là ngôi sao sáng nhất.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét