13 năm trước, bóng đá Việt Nam từng chứng kiến một thế hệ cầu thủ tài năng ra đời, đó là lứa của Văn Quyến, Anh Cường, Như Thuật, Lâm Tấn, Quang Tuấn, Đức Anh, Minh Đức... những cầu thủ thuộc lò đào tạo của Sông Lam Nghệ An.
Cũng như các “gà chọi” của bầu Đức bây giờ, trong màu áo của ĐT U.16 Việt Nam tại VCK Giải vô địch U.16 châu Á năm 2000 tại Đà Nẵng, các học trò của HLV Nguyễn Văn Thịnh đã khiến cho NHM và giới chuyên môn trong nước phải ngỡ ngàng. Với bạn bè quốc tế, bóng đá Việt Nam được nhìn với một ánh mắt khác, ánh mắt của sự ngưỡng mộ và nể trọng, khi vượt qua U.16 Trung Quốc với tỷ số 3-2 và giành vị trí thứ 4 chung cuộc tại giải đấu năm ấy.
Đội tuyển U.16 Việt Nam tại Giải vô địch U.16 châu Á năm 2000Ảnh: DƯ HẢI
Nổi bật trong chiến tích ngày ấy của bóng đá nước nhà phải kể đến những cái tên như Văn Quyến, Ánh Cường, Minh Đức, Như Thuật, Quang Tuấn... Với bước đệm tuyệt vời ấy, ai cũng nghĩ rằng con đường sự nghiệp của Quyến, Cường, Đức, Tuấn, Thuật... sẽ toàn màu hồng, còn với bóng đá nước nhà, sớm muộn gì chúng ta cũng có một thế hệ cầu thủ đủ sức khiến người hâm mộ quên đi hình ảnh của những Huỳnh Đức, Đỗ Khải, Công Minh, Hồng Sơn, Hữu Thắng... đang ở đỉnh cao sự nghiệp.
Thế nhưng, sau 13 năm, ngoài một Minh Đức được vài lần góp mặt trong thành phần ĐTQG, nhưng cũng chỉ là kẻ đóng thế và bây giờ là vật vờ trong màu áo của V.Hải Phòng, BĐVN chẳng còn gì cả. Trong khi Văn Quyến thì phải sống nhờ vào sự “cưu mang” của V.Ninh Bình, thì những Ánh Cường, Quang Tuấn, Như Thuật, Lâm Tấn... ngày đó bây giờ hầu như đã mất dạng.
Lâm Tấn (2)Ảnh: DƯ HẢI
Bóng đá trẻ Việt Nam không riêng gì lứa của Văn Quyến, Ánh Cường, Như
Thuật, Minh Đức năm 2000 hay như lứa “gà chọi” của bầu Đức hiện tại,
trước đây còn có nhiều thế hệ cầu thủ tài năng, gây tiếng vang lớn ở đấu
trường khu vực và châu lục. Điển hình như năm 2010, chúng ta có 2 đội
tuyển giành vé đi dự VCK châu Á, đó là ĐT U.16 của HLV Hoàng Văn Phúc
(hiện dẫn dắt ĐT U.23 VN) và HLV Triệu Quang Hà. Song, đáng tiếc là sau
những giây phút thăng hoa và hy vọng sẽ tỏa sáng rực rỡ trong tương lai
ấy, tất cả lại trở nên tắt ngấm rồi lụi tàn theo năm tháng.Sự “sớm nở tối tàn” của tài năng BĐVN ngoài lý do các cầu thủ không có nền tảng kiến thức và giáo dục tốt, dẫn đến nhận thức kém rồi sa ngã, mà ở đó còn là lỗi của người lớn, khi không có một tầm nhìn, định hướng bài bản và khoa học.
Bởi thế, HLV Phan Thanh Hùng, người được xem là một trong những chuyên gia về đào tạo trẻ thuộc diện “số má” hiện giờ, đã nói: “Lứa cầu thủ U.19 hiện giờ, với những thành công như thế, trước mắt các em là màu hồng, nhưng sau đó thì sao? Làm thế nào để tạo một môi trường phù hợp mà các em đã được đào tạo để tiếp tục phát triển, đó mới là vấn đề quan trọng...”. Hoàn toàn chính xác.
Và nói theo ngôn ngữ bóng đá, quả bóng đã được chuyền đến những người có trách nhiệm với sự phát triển của bóng đá nước nhà. Sút trúng cầu môn hay “lại trượt” là tùy thuộc suy nghĩ và quyết tâm của họ chứ không đơn thuần chỉ là nỗ lực của riêng các em.